Chiếc iPhone đầu tiên ra đời chưa đầy hai thập kỷ, nhưng lý do tại sao bạn khó lòng đặt điện thoại xuống đã được các nhà tâm lý học hiểu rõ từ gần một thế kỷ trước.
Bạn có từng mở điện thoại “một lát thôi”, rồi hai tiếng sau vẫn chưa buông xuống? Không phải do bạn thiếu kỷ luật đâu, mà là do điện thoại được thiết kế để giữ bạn càng lâu càng tốt.
Vào năm 1898, nhà tâm lý học Edward Thorndike đưa ra một quy tắc cơ bản về hành vi: Luật Hiệu ứng. Nói đơn giản, khi bạn làm gì đó và được “thưởng”, bạn sẽ muốn làm điều đó nhiều hơn.
Giống như một con chuột nhấn cần gạt và được thưởng thức ăn sẽ nhấn nhiều lần hơn, mỗi lần bạn mở điện thoại và thấy thứ gì đó thú vị như một tin nhắn vui hay video hài, thói quen kiểm tra điện thoại của bạn lại càng mạnh lên. Nhưng điều nguy hiểm nằm ở chỗ: không phải lúc nào bạn cũng nhận được phần thưởng đó.
Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng những phần thưởng đến một cách ngẫu nhiên, lúc có, lúc không, mới thực sự khiến con người bị cuốn vào. Một con chuột chỉ thỉnh thoảng nhận được thức ăn sẽ kiên trì nhấn cần gạt ngay cả khi máy ngừng cho ăn. Cũng như vậy, nếu bạn mở điện thoại và không phải lần nào cũng có nội dung hay ho, bạn vẫn cứ tiếp tục lướt, hy vọng lần sau sẽ có gì đó đáng xem. Điều này giải thích tại sao máy đánh bạc hút người chơi đến vậy và tại sao mạng xã hội khiến bạn cứ cầm điện thoại lên, dù phần lớn nội dung chẳng có gì đặc biệt.
Kết quả? Mỗi ngày bạn mất vài tiếng đồng hồ vào việc lướt vô thức. Chia ra thì có vẻ ít và vô hại, nhưng hãy thử nhân lên: 3 tiếng mỗi ngày là hơn 20 tiếng mỗi tuần, gần 100 tiếng mỗi tháng, tương đương một công việc part-time. Thời gian đó lẽ ra có thể đủ để học xong một kỹ năng mới, đọc vài cuốn sách hay, hoặc đơn giản là ngủ thêm được vài giờ.
Vấn đề là bạn đã thực sự kiểm soát được chưa. Nếu bạn nghĩ “chỉ lướt 5 phút thôi”, thì thử nhớ lại lần gần nhất bạn tự nhủ như vậy xem. Lần đó thực sự là 5 phút hay đã kéo dài hàng giờ?
Vậy làm sao để thoát khỏi vòng lặp này?
1. Hạn chế tối đa
Thử “đổi gió” một tháng: ít lướt mạng hơn, xem lại đâu là thứ mình thực sự cần, đâu chỉ là thói quen vô thức. Một tháng không đủ để xóa sạch thói quen kiểm tra điện thoại bao năm, nhưng đủ để bạn tạm rời xa nó một chút, nhìn lại xem cái gì đáng giữ, cái gì chẳng đáng tiếc nếu bỏ. Sau đó, hãy giữ những thứ hữu ích và đặt ra “ranh giới” rõ ràng để chúng không chiếm hết cuộc sống của bạn.
2. Đặt ra quy tắc
Bạn không cần phải ngừng sử dụng điện thoại một cách cực đoan, chỉ cần đặt ra những giới hạn đơn giản để không bị nó chiếm hết thời gian quý báu. Ví dụ:
Mỗi tối, đặt điện thoại ở một góc phòng trước khi đi ngủ. Ban đầu sẽ thấy hơi khó chịu, nhưng chỉ sau một tuần, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình ngủ ngon hơn mà chẳng còn thói quen lướt vô nghĩa trước khi ngủ nữa.
Đặt giới hạn 30 phút/ngày cho mạng xã hội ngay trên điện thoại. Bạn sẽ thấy mình phải chọn lọc nội dung hay ho hơn thay vì lướt vô thức.
3. Làm những việc mới
Dành thời gian làm những việc mới, thực sự có ích: đọc sách, tập thể dục, trò chuyện với người thân. Những hoạt động này không chỉ giúp bạn tránh xa màn hình mà còn khiến cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Theo: Scott H. Young
Ảnh: FUDO Hub