Đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao công nghệ và trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở giáo dục đại học

Ngày 25/3, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Hoạt động chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm tạo ra sản phẩm công nghệ ưu tiên trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Thực trạng và giải pháp”.

Hội thảo nhằm cung cấp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhà khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học thực trạng hoạt động chuyển giao công nghệ để tạo ra sản phẩm công nghệ ưu tiên trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao công nghệ và trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở giáo dục đại học
Quang cảnh Hội thảo.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, chủ đề ứng dụng chuyển giao công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ là 2 nội dung rất thời sự. Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới để phát triển giáo dục đạo tạo nói riêng và đất nước nói chung. Gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đột phá để phát triển khoa học công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn thông qua hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia góp ý về mặt thể chế chính sách, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thực hiện liên quan đến 2 nội dung này.

Thực trạng hoạt động chuyển giao công nghệ

Ông Lý Hải Bằng, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cho biết, chuyển giao công nghệ là quá trình then chốt để đưa những ý tưởng từ phòng thí nghiệm ra thực tế và những sản phẩm trở thành hiện thực cùng nhiều giải pháp hữu ích.

Đối với Việt Nam nói chung, chuyển giao công nghệ đóng vai trò chủ chốt trong việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, đại hóa đất nước, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời phát triển kinh tế dựa trên tri thức như đã được đề cập trong nhiều nghị quyết quan trọng của Đảng và Nhà nước, Chính phủ thời gian qua.

Theo ông Lý Hải Bằng, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải không chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn mong muốn trở thành một trung tâm nghiên cứu phát triển, nơi mà những công nghệ tiên tiến được chuyển giao và hiện thực hóa trở thành các sản phẩm cụ thể, có giá trị ứng dụng cao trong lĩnh vực giao thông vận tải và các ngành có liên quan. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần nhìn lại và nhận xét, nhận thức rõ hiện trạng của hoạt động chuyển giao công nghệ tại trường. Phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu và đặc biệt là tạo ra các sản phẩm công nghệ ưu tiên.

Một trong những nỗ lực đáng chú ý là trường đã nghiên cứu và phát triển nền tảng thông minh dựa trên tác nhân AI còn được gọi là AI Agent. Như ban lãnh đạo của FPT đã nói, trong năm 2025 mỗi nhân viên FPT sẽ có một AI Agent để phục vụ quá trình làm việc của họ. Và Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cũng mạnh dạn, quyết tâm phấn đấu, mỗi sinh viên hoặc mỗi cán bộ giảng viên cũng có một AI Ggent để hỗ trợ công việc thường ngày.

Có thể hiểu, luôn luôn có một trợ lý ảo sẵn sàng bên cạnh mình 24/7 để hỗ trợ sinh viên trong suốt quá trình học tập, từ việc ôn tập kiến thức chuẩn bị bài cho tới các kỳ thi, học ngoại ngữ, phát triển những kỹ năng mềm, kỹ năng tư duy sáng tạo, thậm chí tiến tới cá nhân hóa lộ trình học tập cho sinh viên.

Trường cũng đã từng bước tích hợp các công nghệ và công cụ AI vào hệ thống quản lý học tập để theo dõi tiến độ học tập của sinh viên một cách hiệu quả hơn và cũng giúp cho giảng viên đưa ra những hỗ trợ kịp thời và phù hợp.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đang nghiên cứu xây dựng hệ thống đánh giá sinh viên tự động dựa trên AI. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho các giảng viên mà còn mang lại những góc nhìn khách quan hơn và chính xác hơn trong việc đánh giá.

Một cái dự án khác mà trường quyết tâm thực hiện trong giai đoạn 2025-2028, đó là ứng dụng AI để phân tích dữ liệu lớn về hiệu quả giảng dạy và học tập, những thông tin về dữ liệu lớn Big Data sẽ là cái cơ sở quan trọng để cải tiến các chương trình đào tạo và nâng cao chất lượng giảng dạy một cách liên tục.

Trường còn có rất nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0 khác ứng dụng trong giáo dục đại học, như trường đang thử nghiệm ứng dụng công cụ AIV vào một số bài học thực tế ảo và kết quả mang đến cho sinh viên những trải nghiệm học tập sống động và trực quan hơn bao giờ hết, đặc biệt là những tiết học có tính trừu tượng cao hoặc khó tiếp cận ở thực tế.

Bà Mạc Thị Thoa, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số là 3 kênh có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau. Về đặc điểm khoa học công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học hiện có các nhiệm vụ chính, đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao công nghệ và trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở giáo dục đại học
Bà Mạc Thị Thoa, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Bà Mạc Thị Thoa nhấn mạnh sự cần thiết của việc kết nối giữa các cơ sở giáo dục đại học với Bộ ngành và doanh nghiệp trong chuyển giao công nghệ. Cụ thể, bà đưa ra một số giải pháp nghiên cứu công nghệ ứng dụng như thiết lập môi trường khoa học công nghệ, đồng hành hợp tác doanh nghiệp và liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học. Cần hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường nguồn đầu tư, đẩy mạnh hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và phát triển văn hóa sáng tạo.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục

AI (Trí tuệ nhân tạo) là phần mềm máy tính nhằm mô phỏng trí tuệ của con người như khả năng suy luận, ngôn ngữ, hiểu biết và học tập. Đầu tư vào hệ thống này là dữ liệu.

AI hiện đại được chia thành 3 chủ đề chính: AI tạo sinh sẽ thiên hơn về việc sáng tạo như viết văn, vẽ tranh. AI Agent được phát triển dựa trên nền tảng AI tạo sinh đó là các mô hình ngôn ngữ có thể suy diễn và tương tác với các công cụ để nâng cao tính chính xác. AI biểu tượng thường kết hợp LLM với một số thuật toán search như đánh cờ, giải toán.

Ông Nguyễn Chí Thành, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, ứng dụng AI trong giáo dục phổ thông tại Việt Nam là một xu thế tất yếu, mang lại nhiều cơ hội nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên cần phải đối mặt và giải quyết các thách thức về hạ tầng, dữ liệu, chính sách và đạo đức.

Ông Nguyễn Chí Thành khuyến nghị Chính phủ cần xây dựng khung pháp lý, chiến lược và quy hoạch tổng thể về ứng dụng AI trong giáo dục, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển. Các nhà trường cần đầu tư vào hạ tầng, đào tạo giáo viên, lựa chọn các phần mềm và ứng dụng AI phù hợp, đảm bảo tính hiệu quả và bền vững. Đối với giáo viên, giảng viên cần nâng cao trình độ về AI, đổi mới phương pháp dạy học, tạo ra các bài giảng hấp dẫn và tương tác, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh. Ngoài ra, học sinh cũng là cần chủ động học hỏi, khám phá và sử dụng AI một cách hiệu quả và có đạo đức, phát huy tối đa tiềm năng của bản thân.

Theo Baoxaydung